Bắt đầu bởi chữ "TÂM" Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh luôn nổ lực đem lại cho mọi người sự thân thiện, yên tâm về sức khỏe và nhiều giải pháp tối ưu nhất cho mọi gia đình. Sức khỏe của ban là niềm vui của chúng tôi. Hãy để chúng tôi phục vụ mọi gia đình.

1
3

Tin ngành y

Trung tâm Y tế Huyện Vĩnh Thạnh với công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào Ba Na

Ngày Đăng : 15/11/2017

Vĩnh Thạnh là một huyện miền núi của tỉnh Bình Định. Dân số khoảng 30.000 người gồm 02 dân tộc Bana và Kinh trong đó có 30% là đồng bào dân tộc Bana. Toàn huyện có 08 xã, 01 thị trấn với 57 thôn, trong đó 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông, chỉ có một số làm dịch vụ buôn bán nhỏ. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức về phòng bệnh hạn chế nên tỷ lệ mắc bệnh trong những năm qua còn cao. Đây là một trong 62 huyện nghèo của Việt Nam.Trong những năm qua, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vĩnh Thạnh luôn quan tâm đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn cho hệ thống y tế từ xã đến huyện. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngành y tế huyện cũng đã tham mưu tích cực cho UBND huyện trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đến nay 100% trạm y tế xã đã được xây dựng từ nguồn vốn 30a, trang thiết bị y tế cũng đã được bổ sung từ nhiều nguồn. Hiện nay ở tuyến xã tại một số trạm y tế đã được trang bị máy siêu âm trắng đen, điện tim, khí dung, máy tạo oxy và máy đo đường huyết. Tuyến huyện đã có máy thở, máy gây mê, siêu âm màu, điện tim, điện não, máy nội soi tiêu hóa, X quang, sinh hóa toàn phần, huyết học 18 thông số, máy phân tích yếu tố đông máu, xét nghiệm nước tiểu và máy đánh giá chất lượng mẫu nước…

dong-bao

Khám chữa bệnh cho đồng bào Ba Na xã Vĩnh Hiệp

              Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, TTYT cũng đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, đến nay toàn huyện có 26 bác sĩ (BS). Tuyến xã 100% trạm y tế có BS, riêng Trạm Y tế Vĩnh Thịnh có 2 BS. Tuyến huyện có 16 BS, trong đó có 1 BSCKII, 8 BSCKI và 7 BS đa khoa, hiện tại đang đi học 1 BSCKII, 5 BSCKI, 2 y sĩ đang học bác sĩ và 3 điều dưỡng, nữ hộ sinh đang học cử nhân tại Trường Đại học Y Huế. Đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng từ huyện đến xã và y tế thôn luôn được luân phiên gửi đi đào tạo đảm bảo cập nhật và nâng cao kiến thức.

              Bên cạnh việc củng cố nâng cao chất lượng chuyên môn, TTYT huyện Vĩnh Thạnh cũng đã chú trọng đến công tác chăm sóc phục vụ người bệnh nói chung và đồng bào miền núi nói riêng. Trong năm qua đã mua sắm các vật dụng cần thiết cung cấp cho bệnh nhân như nệm, chăn, màn, bô vịt... và lắp đặt hệ thống nước uống miễn phí cho người bệnh.

               Ngoài ra, để thuận tiện hơn trong giao tiếp với bà con dân tộc thiểu số. TTYT đã cử các bác sĩ tham dự các lớp học tiếng Bana do UBND huyện và Sở Nội vụ tổ chức trên địa bàn. Tạo điều kiện để cán bộ y tế thực hiện tốt quy định về y đức cũng như quy tắc ứng xử đối với người bệnh nói chung và đồng bào Bana nói riêng nên đã tạo được niềm tin trong nhân dân, giúp họ an tâm đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong huyện, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết.

               Đối với những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao và ở cách xa trung tâm huyện như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, TTYT đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm đảm bảo cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân ở đây. Hằng năm dành một khoản kinh phí tương ứng với 5 giường bệnh cho mỗi xã để tăng cường nhân lực, hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, vật tư thiết yếu và phương tiện vận chuyển bệnh nhân trong những trường hợp quá khả năng xử lý của trạm.

               Ngoài ra, TTYT cũng đã chú trọng đến công tác giám sát dịch bệnh và truyền thông phòng chống dịch. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông như truyền thông nhóm lồng ghép tại các cuộc họp ở khu dân cư, cung cấp băng đĩa tuyên truyền cho đài xã, huyện, lắp đặt pa nô, áp phích tại các điểm đông dân. Nhằm giúp cho người dân biết cách tự phòng bệnh và phát hiện bệnh kịp thời, hạn chế dịch bệnh xảy ra.

               Mặc khác, hằng năm TTYT còn giao nhiệm vụ cho Chi đoàn và Hội thầy thuốc trẻ của đơn vị tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho nhân dân tại các làng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực vừa chủ động phát hiện sớm các loại bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vừa thể hiện tình cảm và trách nhiệm đối với đồng bào Bana, đã hết lòng theo Đảng theo cách mạng, đã có công lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

               Bên cạnh những mặt đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại không ít khó khăn vướng mắc. Việc cấp phát thẻ BHYT không kịp thời hằng năm và vấn đề sai tên, tuổi, địa chỉ trong thẻ BHYT đã là trở ngại lớn trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh. Mặt khác do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, không có phương tiện tại chỗ để vận chuyển bệnh nhân đã ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị và cấp cứu bệnh nhân tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

               Để công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng tốt hơn. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, kể cả các chức danh chuyên môn đang thiếu về công tác ở tại các huyện vùng cao. Đồng thời sớm có kế hoạch triển khai mạng lưới giao thông nội hạt, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và cũng sẽ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

            Đối với những hạn chế trong việc in ấn và cấp phát thẻ BHYT, BHXH cần phối hợp với các ngành có liên quan, sớm có giải pháp khắc phục. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích thiết thực của người dân nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.q                           

                                            BS. HỨA TỰ THẢO



Bài viết liên quan:

Đường dây nóng

Hỗ trợ tư vấn

Video clip

Mạng xã hội

Hình ảnh hoạt động