Bắt đầu bởi chữ "TÂM" Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh luôn nổ lực đem lại cho mọi người sự thân thiện, yên tâm về sức khỏe và nhiều giải pháp tối ưu nhất cho mọi gia đình. Sức khỏe của ban là niềm vui của chúng tôi. Hãy để chúng tôi phục vụ mọi gia đình.

1
3

Giới thiệu

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN  NGÀNH Y TẾ HUYỆN VĨNH THẠNH

            Vĩnh thạnh là một nơi có vị trí chiến lược quan trọng, là trọng điểm hậu cứ của tỉnh Bình Định, căn cứ địa vững chắt của cách mạng, phục vụ cho hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây đã nuôi dưỡng, xây dựng, đào tạo, hình thành và bảo toàn lực lượng cách mạng, trong đó có lực lượng y tế và ngành y tế Vĩnh Thạnh cũng nhờ vào chỗ dựa vững chắc đó mà phát triển.

            Từ năm 1952 - 1957, y tế Vĩnh Thạnh do Bình Khê ( nay là huyện Tây Sơn) kiêm nhiệm, trên thực tế không có giường bệnh điều trị tại chỗ mà chỉ khám cấp thuốc tại trạm, còn chữa bệnh thì đến nhà bệnh nhân. Đến năm 1958 bắt đầu tách y tế huyện Vĩnh Thạnh khỏi Bình Khê, hoạt động độc lập.

            Đến tháng 02 năm 1965, Ban quân dân y tỉnh chỉ đạo các huyện xã hình thành tổ chức y tế với tên gọi là Ban dân y huyện và Ban Y tế xã. Ngoài ra còn có một đội y tế phong trào chuyên trách xây dựng y tế thôn, xã. Cơ sở làm việc của Ban dân y và Bệnh xá được xây dựng đơn sơ trong núi, chủ yếu là tranh tre nứa lá. Cán bộ của ban luôn lưu động dưới xã, thôn, ăn ở trong nhà dân, trường hợp bị địch càn mới đưa nhau lên núi để hội họp. Nếu bị địch bao vây thì được nhân dân và cán bộ xã đưa thương binh và bệnh nhân xuống hầm bí mật để nuôi dưỡng và chữa trị.

            Trong những năm 1968 - 1974 công tác phong trào của huyện được thực hiện rất tốt. Làng Kon Kơ Rin của Vĩnh Thạnh được chọn làm làng điểm ba sạch của tỉnh ( ăn sạch, ở sạch, uống sạch ). Sau đó phong trào được nhân rộng trong ba huyện miền núi. Theo nhận xét của Ban dân y tỉnh lúc bấy giờ thì:“ Vĩnh Thạnh là một huyện đạt nhiều nhất, nhanh nhất về làng điểm ba sạch. Từ 01 làng của năm 1968 lên 06 làng năm 1969, đến 10 làng năm 1970 và 27 làng năm 1971. Một số tập tục phản vệ sinh lâu đời đã được đẩy lùi một bước. Thanh niên đã bỏ được thói quen ăn bốc. Nhiều làng đã biết làm máng dẫn nước từ đầu núi cao về làng, có nơi dài hàng nghìn mét để ăn uống, tắm giặt đau ốm đã biết uống thuốc, sinh đẻ đã biết đến y tế, xẩm tối đã biết hun khói xua muỗi.

           Trong thời kỳ này, công tác tiêm phòng cũng được đặc biệt quan tâm. Năm 1971 ngành y tế huyện cũng đã được vệ sinh dịch tể cung cấp vaccin phòng tả, dịch hạch, đậu mùa. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng thực tế hiệu quả không cao do điều bảo quản vaccin không có. Đối với thuốc men, dụng cụ y tế như bông, băng gạc còn nhiều thiếu thốn. Y tế cơ sở tự xoay xở là chính như dùng bẹ chuối phơi khô, bỏ vỏ ngoài, lấy lớp bên trong để làm băng, dùng lá chuối non, quần áo cũ cắt thảnh từng mảnh giặt sạch phơi khô luột kỹ xếp làm thành gạc. Cố định xương cho thương binh bị gãy chân, tay thì nẹp bằng gỗ, tre, nứa. Thuốc cầm máu thì dùng cau già phơi khô, đâm nhỏ, rây bỏ trong ống tre để dùng. Thuốc sốt rét dùng vỏ cây Dền trên núi, dây Ký ninh, cây Thường sơn nấu thành cao, tán thành bột, hoặc sắc nước để điều trị sốt rét cho bệnh nhân.

            Đến tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Vĩnh Thạnh sáp nhập với huyện Bình Khê , hoạt động y tế gặp không ít khó khăn trong những năm sau giải phóng.

          Một Phân xá được thành lập tại Vĩnh Kim do bác sỹ Đinh Y Mao phụ trách với 10 giường bệnh và khoảng 10 biên chế. Trong đó có 01 bác sỹ, 03 y sỹ, 03 y tá và 02 cán bộ hành chính. Riêng mảng phòng bệnh thì do y sỹ Lê Văn Cựng phụ trách. 

           Đến năm 1982 có quyết định tách huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn. Từ đó Ban Y tế - Thể thao huyện Vĩnh Thạnh cũng đã được thành lập do đồng chí Lưu Tấn Phương làm trưởng ban và đồng chí Nguyễn Ngọc Châu làm phó ban, quản lý 03 bộ phận y tế là Phân xá Vĩnh Kim, Đội VSPD và Trạm Y tế xã Bình Quang với tổng số trên dưới 20 nhân viên gồm một bác sỹ, số còn lại là y sỹ và y tá. 

          Đến tháng 6/1982 có quyết định thành lập Bệnh xá huyện Vĩnh Thạnh đặt tại Đồng Cửu Thuyền (nay thuộc thôn Định Trị xã Vĩnh Hảo), cơ sở vật chất lúc bấy giờ còn nghèo nàn trong “tranh, tre, nứa, lá”. Nhân lực của Bệnh xá trên dưới 10 người do đồng chí Nguyễn Ngọc Châu làm Bệnh xá trưởng.

          Đầu năm 1983 UBND huyện Vĩnh Thạnh có quyết định chuyển Bệnh xá từ Đồng Cửu Thuyền về Định Bình, sáp nhập một số cán bộ y tế của Trạm xá xã Bình Quang - vẫn với tên gọi Bệnh xá huyện Vĩnh Thạnh do bác sỹ Vũ Văn Chinh làm Bệnh xá trưởng. Phân xá Vĩnh Kim do bác sỹ Đinh Y Mao làm Phân xá trưởng với nhân lực vào khoảng 11 người và đội VSPD do đồng chí Nguyễn Ngọc Châu làm đội trưởng với 06 cán bộ nhân viên làm công tác dự phòng.

           Đến tháng 4/1984, Bệnh xá Vĩnh Thạnh được tăng cường thêm bác sỹ Trần Nguyên Lý và một số y sỹ khác về công tác, nâng tổng số nhân viên của Bệnh xá lúc bấy giờ lên được 20 người do bác sỹ Lý làm Bệnh xá trưởng. Tài sản đã được tăng cường thêm 01 chiếc xe cứu thương hiệu Inter và cũng trong thời gian này Phòng Y tế huyện đã được thành lập thay cho Ban Y tế - Thể thao và do đồng chí Lê Văn Cựng làm Trưởng phòng với số lượng nhân viên y tế trong toàn huyện lúc bấy giờ vào khoảng 37 người (trong đó có 03 bác sỹ số còn lại là y sỹ và y tá).

            Đến đầu năm 1989, Bệnh xá Vĩnh Thạnh cũng đã được đổi tên thành Bệnh viện huyện Vĩnh Thạnh do bác sỹ Đinh Y Mao làm Giám đốc. Tháng 8/1989, Bệnh viện chuyển về Định Thành, bác sỹ Vũ văn Chinh làm Giám đốc.

           Đến tháng 10/1990 được sự chỉ đạo của Sở Y tế và UBND huyện Vĩnh Thạnh về việc sáp nhập Phòng Y tế, Bệnh viện, đội VSPD thành Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh do bác sỹ Vũ Văn Chinh làm Giám đốc. Tổng định biên trong những năm đầu thành lập TTYT là 42 biên chế trong đó có 01 bác sỹ, 15 y sỹ, 14 y tá, 01 KTV, 01 NHS, 01 DS trung cấp, 01 dược tá, 02 hộ lý, 01 sơ cấp xét nghiệm và 05 cán bộ hành chính. Trang thiết bị y tế còn rất nghèo nàn, các phương tiện cấp cứu còn thiếu thốn, tài sản chỉ có 02 kính hiển vi, 02 bình o xy, 01 bộ tiểu phẩu, 01 ô tô cứu thương đã qua sử dụng. Về chuyên môn còn nhiều mặt hạn chế nên đa số các trường hợp cấp cứu đều phải chuyển lên tuyến trên.

            Trong những năm này, các Trạm Y tế xã cũng đã hình thành. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đa số lồng ghép với các phòng ban của UBND xã. Lực lượng chuyên môn đa số là y tá, hoạt động chủ yếu là thực hiện công tác dự phòng nhưng hầu hết các xã còn yếu nên đội VSPD phải làm thay.

          Đầu năm 1996, bác sĩ Vũ Văn Chinh chuyển công tác về Bà Rịa-Vũng Tàu. Sở Y tế có quyết định bổ nhiệm dược sỹ Nguyễn Hữu Lộc giữ chức vụ quyền Giám đốc Trung Tâm Y tế (TTYT) .

            Đến tháng 11 năm 2002, bác sỹ Hứa Tự Thảo được chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc TTYT Vĩnh Thạnh.

            Đầu năm 2004 TTYT Vĩnh Thạnh chuyển về cở sở mới đặt tại khu sân bay và cũng trong khoản thời gian này TTYT Vĩnh Thạnh đã được Sở Y tế phân bổ thêm 2 xe ô tô cứu thương mới nhập của Nhật. Một chiếc hiệu Mitsubishi và chiếc kia là Landcoruiser Toyota tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Phương tiện vận chuyển cấp cứu được bổ sung đã góp phần đắc lực cho nhu cầu chuyển bệnh nhân từ xã về huyện và từ huyện lên tuyến tỉnh.

           Năm 2009 được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, trong vòng chưa đến một năm, ngành y tế đã được UBND huyện đầu tư trên 15 tỷ đồng chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị y tế. Tuyến huyện đã được đầu tư xây dựng mới khoa lây và trạm hạ thế với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, phần còn lại trên 12 tỷ dành cho xây mới và sửa chữa trạm y tế các xã.

           Năm 2010 Sở Y tế cũng đã đầu tư cho xây dựng hạng mục khoa Ngoại - Sản và khoa Dược từ nguồn trái phiếu chính phủ. Trang thiết bị y tế cũng đã được bổ sung thêm từ nguồn xã hội hóa như: máy siêu âm màu, máy xét nghiệm huyết học 18 thông số, máy sinh hóa tự động, xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, hóa máy phân tích yếu tố đông máu, điện não, điện tim. Ngoài ra Sở Y tế cũng đã đầu tư thêm một số thiết bị hiện đại khác như máy gây mê, monitoring, máy tạo oxy từ khí thiên nhiên bơm tiêm điện, máy sốc điện…Nguồn lực bác sĩ cũng đã tăng lên được 21 người trong toàn huyện trong đó có 08 bác sỹ chuyên khoa cấp I.

            Từ năm 2012 đến 2017 TTYT Vĩnh Thạnh cũng đã được cấp trên quan tâm đầu tư thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy nội soi tiêu hóa, X.quang cao tần, shock điện, m¸y thë và ngoài ra còn được trang bị nhiều monitor giám sát từ 5 đến 6 thông số đảm bảo cho nhu cầu khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân. Riêng đối với lĩnh vực dự phòng cũng đã được ngành cấp trên quan tâm đầu tư máy xét nghiệm mẫu nước, máy đo độ ồn, máy đo cường độ ánh sáng, máy đo nhiệt độ, độ ẩm và độ PH . .

            Đối với cở sở vật chất cũng đã được UBND huyện và Sở Y tế cho xây dựng thêm Trạm Y tế xã Vĩnh Quang, sửa chữa nâng cấp trạm Y tế Vĩnh Sơn, khoa Nội, phòng Hồi sức - Cấp cứu, nhà Dinh dưỡng và khu phẫu thuật với tổng kinh phí trên bốn tỷ đồng.

Đến nay về nhân lực: Toàn ngành y tế có 185 cán bộ y tế, trong đó : 35 Bác sỹ (2 BS CKII, 12 BS CKI, 4 BS CK sơ bộ, 01 BS RHM, 01 BS YHCT và 16 Bs đa khoa), 02 DS đại học và trên 30 cử nhân thuộc các chuyên ngành : Điều dưỡng, Sản phụ khoa, Gây mê - Hồi sức, X quang, Kế toán , Tin học … số còn lại hầu hết là cán bộ cao đẳng và trung cấp, hằng năm đều được Trung tâm Y tế gửi đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

           Công tác chuyên môn đã được nâng lên một bước. Hiện tại hệ điều trị đã triển khai hầu hết các kỹ thuật của bệnh viện hạng III và thực hiện trên 300 loại phẫu thuật và thủ thuật vượt tuyến được Sở Y tế thẩm định phê duyệt, đảm bảo giải quyết tốt các trường hợp cấp cứu ngoại -sản. Các chuyên khoa lẻ cũng đã đưa vào hoạt động đáp ứng phần lớn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

            Tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em giảm nhiều, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cung cấp thuốc thiết yếu đã đến tận cơ sở nhất là các xã miền núi. Công tác khám chữa bệnh phục vụ người nghèo, người có công với cách mạng, người già, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng đó được quan tâm chú ý, công tác y tế đang từng bước xã hội hoá ngày càng có hiệu quả.

                                                  ( BS Hứa Tự Thảo)        



Đường dây nóng

Hỗ trợ tư vấn

Video clip

Mạng xã hội

Hình ảnh hoạt động