Bắt đầu bởi chữ "TÂM" Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh luôn nổ lực đem lại cho mọi người sự thân thiện, yên tâm về sức khỏe và nhiều giải pháp tối ưu nhất cho mọi gia đình. Sức khỏe của ban là niềm vui của chúng tôi. Hãy để chúng tôi phục vụ mọi gia đình.

1
3

Tin ngành y

Vĩnh Thạnh: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày Đăng : 14/11/2017

Vĩnh Thạnh là huyện miền núi với khoảng 30% dân số là đồng bào dân tộc Bana, 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức về phòng bệnh còn hạn chế. Thực tế đó đòi hỏi ngành Y tế huyện phải thật sự nỗ lực để chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.

dong-bao-thieu-so

 

Điều trị cho bệnh nhân tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh

          Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhiều năm qua, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực tham mưu cho UBND huyện trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đến nay, 100% trạm y tế (TYT) xã đã được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 30a, trang thiết bị y tế cũng đã được bổ sung từ nhiều nguồn.TTYT đã có máy thở, máy gây mê, siêu âm màu, điện tim, điện não, máy nội soi tiêu hóa, X-quang, sinh hóa toàn phần, huyết học 18 thông số, máy phân tích yếu tố đông máu, xét nghiệm nước tiểu và máy đánh giá chất lượng mẫu nước… Trong khi đó, ở tuyến xã, các TYT đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. TYT xã Vĩnh Sơn đã có máy siêu âm trắng đen, điện tim, khí dung, máy tạo oxy, máy đo đường huyết. “Tháng 12.2014, Trạm được tặng một bộ thiết bị nhổ răng sữa, chúng tôi cũng bắt đầu triển khai nhổ răng sữa cho trẻ. Ngoài ra, Trạm còn thực hiện được xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét”, Trưởng TYT xã Vĩnh Sơn Nguyễn Ngọc Hải cho hay.

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, TTYT huyện Vĩnh Thạnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay toàn huyện có 26 bác sĩ, 100% TYT có bác sĩ, riêng TYT xã Vĩnh Thịnh có 2 bác sĩ. Việc đảm bảo đầy đủ bác sĩ  có các TYT đã nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh ban đầu, nâng cao niềm tin của người dân.

           Ngoài ra, để thuận tiện hơn trong giao tiếp với bà con dân tộc thiểu số, các bác sĩ ở Vĩnh Thạnh được cử tham dự các lớp học tiếng Bana do UBND huyện và Sở Nội vụ tổ chức trên địa bàn. “Đây là việc làm cần thiết để tạo điều kiện cho cán bộ y tế thực hiện tốt quy định về y đức cũng như quy tắc ứng xử đối với người bệnh nói chung và đồng bào Bana nói riêng, giúp họ an tâm đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong huyện, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết”, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh Hứa Tự Thảo nhận định.

            Đối với những địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao và ở cách xa trung tâm huyện như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, TTYT huyện đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Theo bác sĩ Thảo, hằng năm Trung tâm luôn dành một khoản kinh phí tương ứng với 5 giường bệnh cho mỗi xã để tăng cường nhân lực, hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, vật tư thiết yếu và phương tiện vận chuyển bệnh nhân trong những trường hợp quá khả năng xử lý của trạm.

            Ngoài ra, ngành Y tế huyện Vĩnh Thạnh cũng chú trọng đến công tác giám sát dịch bệnh và truyền thông phòng chống dịch. Với đặc thù có nhiều cụm dân cư xa trung tâm huyện, xã, nên các hình thức truyền thông phải đa dạng hóa, như truyền thông nhóm lồng ghép tại các cuộc họp ở khu dân cư, cung cấp băng đĩa tuyên truyền cho đài truyền thanh xã, huyện, lắp đặt pa-nô, áp phích tại các điểm đông dân. Từ đó, giúp cho người dân biết cách tự phòng bệnh và phát hiện bệnh kịp thời, hạn chế dịch bệnh xảy ra.

            Không dừng lại ở đó, hằng năm, Chi đoàn và Hội thầy thuốc trẻ của đơn vị đều tổ chức 3-4 đợt khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Y sĩ Đinh Công Suy, Bí thư Chi đoàn TTYT huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Các đợt khám bệnh từ thiện được tổ chức trong các dịp lễ lớn như 26.3, 27.7… với đối tượng chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, gia đình cách mạng. Không chỉ chủ động phát hiện sớm các loại bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, nâng cao sức khỏe cho người dân, các hoạt động này còn mang lại hiệu ứng tích cực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tin vào thầy thuốc, nâng cao ý thức có bệnh phải đi khám để chữa kịp thời”.

                          BÌNH PHƯƠNG 



Bài viết liên quan:

Đường dây nóng

Hỗ trợ tư vấn

Video clip

Mạng xã hội

Hình ảnh hoạt động